Vô kinh là tình trạng không có kinh nguyệt. Trong nhiều trường hợp, vô kinh là triệu chứng của một bệnh lý có thể điều trị được. Do đó, điều quan trọng là bạn cần đi khám bệnh để cùng bác sĩ kịp thời tìm ra các giải pháp.
Vô kinh là gì?
Nếu bạn được chẩn đoán “vô kinh”, điều này có nghĩa là bạn không có kinh nguyệt. Vô kinh có thể xảy ra với những phụ nữ đã qua tuổi dậy thì, hiện không mang thai và chưa đến tuổi mãn kinh.
Vô kinh không đồng nghĩa với kinh nguyệt không đều, mà là không có kinh nguyệt. Bạn nên đi khám bác sĩ để giải quyết vấn đề này sớm, vì nó có thể là triệu chứng của một bệnh lý có thể điều trị được.
Phân loại vô kinh
Vô kinh thường được phân làm 2 loại: vô kinh nguyên phát và vô kinh thứ phát.
- Vô kinh nguyên phát: Là tình trạng người phụ nữ cho đến năm 16 tuổi vẫn chưa có kinh nguyệt.
- Vô kinh thứ phát: Là tình trạng phụ nữ đã có kinh nguyệt nhưng mất kinh nguyệt trong thời gian liên tục từ 3 tháng trở lên.
Vô kinh kéo dài được xem là dấu hiệu nguy hiểm cho một rối loạn nào đó trong cơ thể.
Triệu chứng vô kinh
Bên cạnh kinh nguyệt không xuất hiện trong 3-6 tháng, các triệu chứng khác cũng có thể xảy ra khi bạn không có kinh, tùy thuộc vào các nguyên nhân khác nhau.
Những triệu chứng này bao gồm:
- Tiết chất dịch màu trắng đục như sữa từ núm vú mặc dù chưa có con
- Rụng tóc
- Đau đầu
- Thị lực giảm
- Mọc râu, lông rậm
- Ở những người vô kinh nguyên phát, ngực có thể kém phát triển
Tác hại của vô kinh
Đầu tiên chính là mất đi chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng. Ngoài ra, nó cũng sẽ gây ra một số triệu chứng khác có hại cho sức khỏe cơ thể như: ảnh hưởng đến dịch tiết âm đạo, gây ra tình trạng đau đầu, rụng tóc, trên mặt mọc nhiều lông, làm giảm thị lực… Nếu bị mất kinh ít nhất là 3 chu kỳ liên tục thì bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời.
Đối với các bạn gái trẻ, nếu gặp phải triệu chứng vô kinh nguyên phát thì chắc chắn các hoạt động của buồng trứng trong cơ thể sẽ bị ảnh hưởng, gây ra hiện tượng khó thụ thai sau này.
Còn đối với trường hợp vô sinh thứ phát, chu kỳ rụng trứng không đều đặn, dẫn đến việc thụ thai sẽ gặp khó khăn lớn.
Đối tượng dễ bị vô kinh
Bạn gái ở độ tuổi dậy thì đến 25 tuổi là đối tượng dễ bị vô kinh. Ngoài ra, tình trạng này còn có thể xảy ra đối với người làm những công việc yêu cầu nhiều sức lực như vận động viên chơi thể thao, lao động tay chân,…
Một số yếu tố có thể khiến nguy cơ bị vô kinh tăng cao:
- Yếu tố di truyền: trong nhà đã có người bị vô kinh
- Chế độ ăn uống hàng ngày không được đảm bảo
- Tập luyện thể thao quá sức
Nguyên nhân gây vô kinh
Nguyên nhân gây vô kinh nguyên phát
Có nhiều nguyên nhân gây vô kinh. Trong đó, các nguyên nhân gây ra vô kinh nguyên phát (ở phụ nữ chưa bao giờ có kinh nguyệt), gồm có:
- Suy buồng trứng
- Các bệnh lý ở hệ thần kinh trung ương (não và tủy sống) hoặc tuyến yên (một tuyến trong não tạo ra các hormone liên quan đến kinh nguyệt)
- Các bệnh lý ở cơ quan sinh sản
Trong nhiều trường hợp, nguyên nhân gây vô kinh nguyên phát không xác định được.
Nguyên nhân gây vô kinh thứ phát
Các nguyên nhân phổ biến gây vô kinh thứ phát (khi người phụ nữ đã có kinh nguyệt bình thường nhưng có thời gian dài ngừng kinh) bao gồm:
- Thai kỳ
- Cho con bú
- Ngừng sử dụng biện pháp tránh thai
- Mãn kinh
- Sử dụng một số phương pháp tránh thai như Depo – Provera hoặc một số loại dụng cụ tử cung
Các nguyên nhân khác của vô kinh thứ phát bao gồm:
- Căng thẳng
- Thiếu dinh dưỡng
- Trầm cảm
- Sử dụng một số loại thuốc theo toa
- Giảm cân nhanh chóng
- Tập thể dục quá sức
- Đang ốm, mệt mỏi
- Tăng cân đột ngột hoặc rất thừa cân (béo phì)
- Mất cân bằng nội tiết tố do hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS).
- Rối loạn chức năng tuyến giáp
- Khối u tại buồng trứng hoặc não (hiếm gặp)
- Phụ nữ đã cắt bỏ tử cung hoặc buồng trứng
Đề ngăn ngừa vô kinh, đặc biệt là vô kinh thứ phát, người phụ nữ cần duy trì một lối sống lành mạnh, khoa học. Khi thấy biểu hiện vô kinh nguyên phát hoặc vô kinh thứ phát cần đến các cơ sở y tế có đầy đủ chuyên môn để thăm khám và có phương pháp điều trị kịp thời, tránh để tình trạng bệnh kéo dài, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Vô kinh điều trị như thế nào?
Vô kinh điều trị dựa trên nguyên nhân gây vô kinh, bao gồm:
- Ăn kiêng và tập thể dục để giảm cân (trường hợp vô kinh do béo phì)
- Ăn theo chế độ dinh dưỡng để tăng cân ( trường hợp vô kinh do giảm cân quá mức)
- Học các cách để kiểm soát stress
- Thay đổi cường độ tập luyện
- Điều trị hóc môn, theo chỉ dẫn của bác sĩ
- Phẫu thuật (hiếm gặp)
Vô kinh có thể là triệu chứng của bệnh chán ăn tâm thần, một rối loạn ăn uống nghiêm trọng. Nếu bạn hoặc người thân có tình trạng này, hãy tìm sự giúp đỡ ngay lập tức.
Khi nào bạn nên tìm đến bác sĩ?
- Trễ kinh
- Có vấn đề về khả năng giữ cân bằng, phối hợp hoặc thị lực
- Bắt đầu sản xuất ra sữa, mặc dù bạn chưa sinh con
- Phát triển bất thường (quá nhiều) của lông trên cơ thể
- Hơn 18 tuổi nhưng chưa có kinh nguyệt
Làm thế nào để phòng ngừa vô kinh?
Cách tốt nhất để phòng ngừa vô kinh thứ cấp là duy trì một lối sống lành mạnh. Giữ cân nặng hợp lí, chú ý đến kinh nguyệt hàng tháng, và luôn thực hiện đầy đủ các kiểm tra phụ khoa định kỳ.