Viêm giáp Hashimoto

Viêm tuyến giáp Hashimoto là tình trạng thâm nhiễm rất nhiều tế bào lympho, tuyến giáp bị xơ hóa, teo tế bào tuyến giáp, đồng thời xuất hiện nhiều tế bào ái toan mạnh. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm tuyến giáp.

Tuy nhiên nguyên nhân thường gặp nhất là do hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công gây viêm mạn tính tế bào tuyến giáp. Kết quả có thể dẫn đến lượng nội tiết tố tuyến giáp tăng cao (giai đoạn cường giáp), một khoảng thời gian lượng nội tiết tố tuyến giáp trong giới hạn bình thường (giai đoạn bình giáp) và sau đó là giai đoạn giảm lượng nội tiết tố tuyến giáp (giai đoạn suy giáp).

Dịch tễ

Hiệp hội các nhà nội tiết lâm sàng Hoa Kỳ ước tính rằng viêm tuyến giáp Hashimoto ảnh hưởng đến khoảng 14 triệu người Mỹ. Viêm tuyến giáp Hashimoto được xem là nguyên nhân thường gặp nhất gây suy giáp. Tỷ lệ bệnh nhân suy giáp do viêm tuyến giáp Hashimoto diễn tiến khoảng 5 % mỗi năm.

Bệnh xảy ra ở nữ nhiều hơn (90%), thường gấp 7-8 lần so với nam. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp từ 30-60 tuổi, có thể có yếu tố gia đình, và có thể có một số bệnh tự miễn khác như: thiếu máu ác tính, đái tháo đường type 1, teo tuyến thượng thận vô căn, suy cận giáp vô căn, nhược cơ, viêm khớp dạng thấp, viêm gan mạn tấn công, bạch biến, bạc tóc sớm, xơ gan do mật, hội chứng Sjogren.

Vai trò của nội tiết tố tuyến giáp

Ảnh hưởng đến sự phát triển cơ thể: Ở những trẻ bị suy giáp mức phát triển sẽ chậm lại, nếu không được phát hiện và điều trị sớm trẻ sẽ bị lùn.

Thúc đẩy sự trưởng thành và phát triển não trong thời kỳ bào thai và trong vài năm đầu sau khi sinh. Nếu lượng nội tiết tố tuyến giáp không được bài tiết đầy đủ trong thời kỳ bào thai thì sự phát triển và trưởng thành của não sẽ bị chậm lại, não của trẻ sẽ nhỏ hơn bình thường. Nếu không được điều trị bằng nội tiết tố tuyến giáp ngay vài ngày đến vài tuần sau khi sinh thì trí tuệ của trẻ sẽ không phát triển.

Tác dụng lên chuyển hóa tế bào: làm tăng chuyển hóa hầu hết các mô trong cơ thể.

Tác dụng lên hệ thống thần kinh cơ: thúc đẩy sự phát triển về kích thước và chức năng não. Nếu suy giáp xảy ra lúc mới sinh hoặc vài năm đầu sau khi sinh mà không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến kém phát triển về trí tuệ, đần độn.

Tác dụng lên các quá trình chuyển hoá glucid, lipid, protid trong cơ thể.

Tác dụng lên hệ thống tim mạch, lên da, lên cơ xương.

Cơ chế bệnh sinh

Viêm tuyến giáp Hashimoto là một bệnh miễn dịch, có sự phối hợp giữa miễn dịch tế bào và miễn dịch thể dịch gây tổn thương tế bào tuyến giáp.

Miễn dịch tế bào:

  • Tế bào tuyến giáp trở thành các tự kháng nguyên, biểu hiện trên bề mặt của tế bào. Kháng nguyên phản ứng với các kháng thể đặc hiệu, với các tế bào có khả năng miễn dịch và bổ thể gây huỷ hoại tế bào tuyến giáp. Các kháng thể trong bệnh viêm giáp Hashimoto gồm: kháng thể kháng Thyroglobulin (Tg Ab), kháng thể kháng Thyroid peroxidase (TPO Ab – còn được gọi là kháng thể kháng microsom) và kháng thể kháng thụ thể TSH (TSH-R Ab).
  • Các tế bào có khả năng miễn dịch làm tăng sinh một cách bất thường một dòng lympho T phụ. Có hai nguyên nhân góp phần trong sự tăng sinh này: các yếu tố di truyền và yếu tố môi trường (virus, chuyển hoá…). Tế bào lympho T phụ tăng sinh sẽ tác động lên lympho B sản xuất tự kháng thể (do sự kết hợp) và những lympho T tiêu huỷ (Lymphocytes T tueur) trực tiếp tấn công và tiêu huỷ tế bào tuyến giáp.

Miễn dịch thể dịch:

Sự hoạt hoá các lympho B bởi các lympho T phụ dẫn đến sự tăng sinh và biệt hoá lympho B thành tương bào. Các tương bào này có khả năng sản xuất kháng thể chống lại các thành phần của tuyến giáp.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây bệnh viêm giáp Hashimoto chưa được biết rõ ràng, tuy nhiên có nhiều yếu tố được cho là có vai trò bao gồm :

Gene di truyền: những người bị viêm giáp hashimoto thường có người trong gia đình có bệnh tuyến giáp hay các bệnh tự miễn khác.

Hormone: Viêm giáp Hashimoto ảnh hưởng trên nữ giới nhiều gấp 7 lần nam giới, nên hormone giới tính có thể có vai trò trong bệnh. Hơn nữa, một vài phụ nữ gặp vấn đề về tuyến giáp trong năm đầu tiên có thai. Mặc dù các rối loạn thường biến mất, tuy nhiên khoảng 20% số phụ nữ này tiến triển thành Viêm giáp Hashimoto vài năm sau đó

Tăng iod quá mức: nghiên cứu cho thấy một vài loại thuốc và quá nhiều iod, một nguyên tố vi lượng cần thiết cho cơ thể tổng hợp hormone tuyến giáp, có thể khởi phát bệnh tuyến giáp ở những người nhạy cảm.

Phơi nhiễm phóng xạ: có sự gia tăng bệnh tuyến giáp được báo cáo ở những người phơi nhiễm với phóng xạ, bao gồm những vụ nổ bom nguyên tử ở Nhật Bản, hay điều trị phóng xạ trên những bệnh nhân bệnh Hodgkin (một dạng ung thư máu)

Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc phải bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto?

Nguy cơ mắc bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto ở phụ nữ cao hơn gấp 7 lần so với đàn ông, đặc biệt là những phụ nữ đã từng mang thai.

Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto?

Một số yếu tố phổ biến có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Hashimoto là:

  • Giới tính. Phụ nữ có nhiều nguy cơ mắc bệnh Hashimoto hơn đàn ông;
  • Tuổi tác. Bệnh Hashimoto có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng thường xảy ra trong độ tuổi trung niên;
  • Yếu tố di truyền. Bạn có nguy cơ mắc bệnh Hashimoto nếu những người khác trong gia đình mắc bệnh về tuyến giáp hoặc bệnh tự miễn khác;
  • Bệnh tự miễn khác. Bệnh tự miễn dịch, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp, bệnh tiểu đường loại 1 hoặc lupus, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Hashimoto;
  • Tiếp xúc với bức xạ. Những người tiếp xúc quá mức với môi trường bức xạ dễ bị mắc bệnh Hashimoto

Chẩn đoán

Lâm sàng

Tùy vào giai đoạn mà có thể có triệu chứng của cường giáp, bình giáp hay suy giáp. Trên lâm sàng thường gặp khoảng 20% trường hợp bệnh nhân ở giai đoạn suy giáp, chỉ dưới 5% trường hợp ở giai đoạn cường giáp.

Có 2 nhóm triệu chứng:

Triệu chứng của bướu giáp:

Đa số có bướu giáp to, chắc, đối xứng và thường không đau. Khoảng 10% trường hợp tuyến giáp bị teo. Tuyến giáp to nhiều có thể chèn ép gây cảm giác nghẹn ở cổ, khó nuốt, nói khàn…. Viêm tuyến giáp lâu không được điều trị có thể khám thấy tuyến giáp to, rắn chắc, có khi cứng, bề mặt gồ ghề, có nhiều thuỳ. Tuyến giáp sờ không đau và không có hạch to vùng cổ.

Triệu chứng của suy chức năng tuyến giáp:

Viêm tuyến giáp Hashimoto tiến triển dần dần trong vài năm và gây tổn thương tuyến giáp làm cho nồng độ nội tiết tố tuyến giáp giảm dần dẫn đến suy tuyến giáp. Đây là hội chứng được đặc trưng bởi tình trạng tuyến giáp sản xuất nội tiết tố tuyến giáp không đầy đủ so với nhu cầu của cơ thể gây nên tổn thương ở các mô, cơ quan, các rối loạn chuyển hoá. Bệnh nhân có các dấu hiệu và triệu chứng của suy giáp bao gồm:

  • Nhạy cảm với nhiệt độ lạnh;
  • Tăng mức cholesterol trong máu;
  • Táo bón;
  • Khó tập trung;
  • Phiền muộn;
  • Da khô;
  • Hình thành bướu cổ;
  • Phù ở mặt;
  • Mệt mỏi;
  • Kinh nguyệt kéo dài ở nữ giới;
  • Đau cơ;
  • Da nhợt nhạt;
  • Cứng khớp, đặc biệt là tay và chân;
  • Giọng nói trở nên khàn đặc;
  • Tăng cân không kiểm soát.

Cận lâm sàng

  • Xét nghiệm chức năng tuyến giáp: tuỳ theo mức độ tiến triển của viêm tuyến giáp, bệnh nhân có thể trong tình trạng cường giáp nhẹ, bình giáp nhưng thường là suy giáp rõ ràng: FT3, FT4 giảm, TSHtăng cao hoặc suy giáp cận lâm sàng với FT3, FT4 trong giới hạn bình thường, TSH tăng.
  • Kháng thể kháng tuyến giáp: tăng hiệu giá kháng thể kháng tuyến giáp Anti thyroid peroxidase (Anti-TPO) dương tính trong 90% các trường hợp, kháng thể kháng thyroglobulin tăng trong 20-50% các trường hợp viêm tuyến giáp Hashimoto.
  • Siêu âm: tuyến giáp giảm âm, có thể có hình ảnh tăng tuần hoàn, hình ảnh thay đổi tuỳ theo giai đoạn của bệnh. Kích thước tuyến giáp có thể to.
  • Đo độ tập trung I131: độ tập trung không đồng đều, không có ý nghĩa trong chẩn đoán.
  • Tế bào học tuyến giáp: cần thực hiện trong trường hợp viêm tuyến giáp Hashimoto có nhân trong tuyến để loại trừ lymphoma hoặc ung thư tuyến giáp.

Điều trị

Bệnh nhân có tuyến giáp to hoặc suy giáp sẽ cần được bù nội tiết tố tuyến giáp. Thuốc LT4 được sử dụng mỗi ngày và được điều chỉnh liều theo tuổi, cân nặng, mức độ nghiêm trọng của tình trạng và các vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là trong thai kỳ, cũng như việc sử dụng các loại thuốc khác.

Bệnh nhân có bệnh tim mạch hoặc suy giáp nặng sẽ cần bắt đầu sử dụng LT4 với liều thấp và tăng dần.

  • Suy giáp rõ: điều trị thay thế bằng LT4 liều từ 50 -100 μg/ngày, điều chỉnh liều phù hợp từng bệnh nhân.
  • Suy giáp dưới lâm sàng: Tùy tình trạng bệnh nhân, triệu chứng lâm sàng. Thường bắt đầu điều trị LT4 khi TSH > 10 μu/ml. Khi TSH dưới 10 μu/ml, kháng thể kháng TPO cao thì 80% trường hợp bệnh nhân sẽ có suy giáp.

Khi kích thước tuyến giáp to và chức năng tuyến giáp cũng còn trong giới hạn bình thường cũng được chỉ định LT4 nhằm làm giảm kích thước tuyến giáp (vì LT4 có thể làm cho kích thước tuyến giáp nhỏ lại) và ngăn ngừa diễn tiến đến suy giáp.

TSH tăng ở phụ nữ có thai hoặc dự định có thai cũng phải được điều trị với LT4.

Không chỉ định điều trị corticoid vì không có tác dụng lên tiến triển của bệnh.

Chế độ ăn cho người bị viêm giáp Hashimoto

Nhiều nghiên cứu cho thấy chế độ ăn uống không giúp chữa khỏi hoặc ngăn ngừa bệnh Hashimoto.

Một bệnh tự miễn thường sẽ xuất hiện đồng thời với một hoặc một số bệnh khác. Các nghiên cứu cho thấy một số người có thể bị suy giáp đồng thời với bệnh celiac cấp độ thấp. Điều này có nghĩa rằng việc tránh dung nạp gluten có thể có lợi cho một số bệnh nhân bị suy giáp bắt nguồn từ tình trạng tự miễn dịch.

Trong một nghiên cứu khác trên 83 bệnh nhân, 75,9% được phát hiện là không dung nạp đường từ sữa. Sau khi thực hiện chế độ ăn kiêng hạn chế đường sữa trong 08 tuần, những bệnh nhân tham gia nghiên cứu có sự sụt giảm đáng kể nồng độ TSH trong máu.

Bất kỳ thay đổi nào đối với chế độ ăn uống hoặc sử dụng chất bổ sung phải được thảo luận trước với bác sĩ để đảm bảo dinh dưỡng và sức khỏe.

Theo dõi bệnh

Viêm giáp Hashimoto có thể cùng tồn tại với Basedow hay kết hợp các bệnh tự miễn khác nên cần tầm soát những bệnh đi kèm

Bệnh nhân viêm giáp Hashimoto cần được kiểm tra chức năng tuyến giáp hàng năm. Cần được đặc biệt chú ý trong giai đoạn có thai, con bú.

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *