Sự khác nhau giữa cường giáp và suy giáp

Suy giáp là tình trạng tuyến giáp không sản xuất đủ hormone tuyến giáp để thực hiện tốt chức năng của nó. Trong khi đó Cường giáp được phát hiện khi cơ thể bạn sản xuất quá nhiều hormone tuyến giáp, thyroxine (T4) và triiodothyronine (T3), và trở nên hoạt động quá mức

Tổng quan về tuyến giáp

Tuyến giáp là một trong những cơ quan nội tiết tối quan trọng của cơ thể. Nó có dạng hình cánh bướm, nằm ngay giữa cổ họng. Nhỏ bé là vậy nhưng nó có vai trò vô cùng to lớn: điều hòa thân nhiệt của cơ thể, vận hành trao đổi chất ở các cơ quan: tim, thận, ruột,…

Những rối loạn tác động lên tuyến giáp sẽ gây biến động lượng hormon sản xuất. Nồng độ này khi tăng bất thường sẽ gây cường giáp. Ngược lại, khi nó giảm quá mức sẽ gây suy giáp.

Có bốn nguyên nhân  bệnh lý thường gặp nhất của bướu tuyến giáp. Đó chính là viêm tuyến giáp Hashimoto, bệnh Graves, bướu cổ và tuyến giáp có nhân.

Sau đây, YouMed sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu về hai bệnh lý cường giáp và suy giáp. Từ đó, hy vọng bạn sẽ phân biệt được đặc trưng quan trọng của các bệnh nội tiết này nhé.

Đại cương suy giáp

Suy giáp là tình trạng tuyến giáp không sản xuất đủ hormone tuyến giáp để thực hiện tốt chức năng của nó. Tuyến giáp kiểm soát mọi mặt của chuyển hóa cơ thể. Trong suy giáp, việc sản xuất hormone tuyến giáp chậm lại, dẫn đến chậm chuyển hóa và tiếp theo là tăng cân. Suy giáp thường gặp, chiếm 4.6% dân số Mỹ.

Theo Hiệp hội tuyến giáp của Mỹ (American Thyroid Association), suy giáp không thể chữa khỏi. Tuy nhiên, có thuốc để điều trị suy giáp, mục đích để cải thiện chức năng tuyến giáp, đưa nồng độ hormone tuyến giáp về bình thường, cho phép bạn có cuộc sống bình thường.

Viêm giáp Hashimoto là nguyên nhân thường gặp nhất của suy giáp. Đây là bệnh tự miễn, cơ thể tự sinh ra kháng thể chống chính cơ thể mình, làm cho tuyến giáp ngừng sản xuất hormone tuyến giáp và dẫn đến suy giáp. Giống như các bệnh tự miễn khác, viêm giáp Hashimoto thường xuất hiện ở nữ nhiều hơn ở nam.

Đại cương cường giáp

Cường giáp được phát hiện khi cơ thể bạn sản xuất quá nhiều hormone tuyến giáp, thyroxine (T4) và triiodothyronine (T3), và trở nên hoạt động quá mức. Nếu bạn bị cường giáp, bạn có thể có nhịp tim nhanh, ăn nhiều, hay lo lắng, dễ ra mồ hôi hoặc sụt cân.

Cường giáp xuất hiện thường xuyên nhất theo 3 cách:

  • Viêm giáp
  • Nhân giáp sản xuất quá nhiều hormone T4
  • Bệnh tự miễn Basedow (hay tên gọi khác là bệnh Graves)

Viêm giáp kích thích tuyến giáp tạo nhiều hormone tuyến giáp đi vào trong máu. Tình trạng này gây đau và khó chịu vùng tuyến giáp. Viêm giáp có thể là kết quả của thai kỳ và nó thường diễn ra trong thời gian ngắn.

Nhân giáp thường gặp ở cả cường giáp và suy giáp. Những nhân giáp này thường lành tính. Trong cường giáp, những nhân giáp này làm tăng kích thước tuyến giáp hoặc sản xuất quá nhiều hormone tuyến giáp T4.

Bệnh basedow là một bệnh tự miễn, cơ thể sinh ra kháng thể chống lại chính bản thân tuyến giáp. Tình trạng này khiến cho tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone tuyến giáp.

Điều trị nội khoa, iod phóng xạ, hoặc phẫu thuật là những phương pháp điều trị cường giáp. Nếu không điều trị, cường giáp có thể gây loãng xương hoặc rối loạn nhịp tim. Cả viêm giáp tự miễn Hashimoto và bệnh Basedow có tính chất gia đình.

Sự khác nhau giữa cường giáp và suy giáp

Sự khác biệt giữa cường giáp và suy giáp rất dễ nhận thấy. Khi bị cường giáp, lượng hormone sản xuất quá nhiều sẽ khiến cơ thể bị kích thích quá mức, do đó dẫn đến mất ngủ, tiêu chảy, run rẩy và khó chịu. Ngược lại, khi bị suy giáp, cơ thể sẽ không có đủ hormone, dẫn đến tình trạng mệt mỏi và không có năng lượng. Bạn có thể thấy mình tăng cân nhanh vì quá trình trao đổi chất của cơ thể diễn ra chậm chạp. Không những vậy, suy giáp còn ảnh hưởng nhiều đến khía cạnh tâm thần.

Cường giáp và suy giáp, tình trạng nào tồi tệ hơn? Thực tế, câu hỏi này không thể nào trả lời được bởi mỗi bệnh đều có những cái khó chịu riêng. Tuy nhiên, bệnh cường giáp thường gây ra nhiều lo lắng hơn bởi nó gắn liền với cao huyết áp, có thể dẫn đến đau tim và đột quỵ.

Sự giống nhau giữa cường giáp và suy giáp

Sự giống nhau giữa cường giáp và suy giáp nằm ở việc thay đổi sản xuất hormone tuyến giáp. Ngoài ra, cả hai bệnh này cũng có chung một số triệu chứng như xuất hiện bướu cổ, yếu cơ, mất ham muốn tình dục. Rối loạn cương dương là một triệu chứng thường gặp ở cả hai bệnh này.

Một người có thể bị cả cường giáp và suy giáp không?

Điều này nghe có vẻ khó tin nhưng một số người có thể bị cả hai căn bệnh này, mặc dù các triệu chứng không xuất hiện cùng lúc. Bệnh nhân có thể bị suy giáp nhưng do tuyến giáp hoạt động quá mức. Điều đó có nghĩa là bạn có thể bị giảm cân, mệt mỏi, căng thẳng và sau đó vài tháng lại có các triệu chứng ngược lại như tăng cân, trầm cảm và da khô.

Trong một số trường hợp hiếm, ở một người có thể cùng tồn tại bệnh viêm giáp Hashimoto và bệnh Graves. Nếu bạn bị suy giáp nhưng cũng có các triệu chứng của cường giáp, hãy nói chuyện với bác sĩ để có phương án điều trị tốt nhất.

Những điều cần lưu ý khi điều trị suy giáp và cường giáp

Khi điều trị suy giáp và cường giáp, bạn cần lưu ý những điều sau:

  • Đi đến bác sĩ khám đều đặn để theo dõi tiến độ điều trị.
  • Không nên dùng thuốc tuyến giáp để giảm cân. Cân nặng của bạn sẽ được điều chỉnh khi các vấn đề về tuyến giáp được kiểm soát.
  • Nếu bạn bị tiểu đường, hãy theo dõi lượng đường trong máu theo chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Các phương pháp điều trị các bệnh tuyến giáp có thể gây rụng tóc tạm thời.

Sống với bệnh tuyến giáp

Nếu được chẩn đoán mắc các bệnh về tuyến giáp, đó không phải là một việc quá tồi tệ. Tuy nhiên, bạn cần phải thay đổi một số thói quen để có một cuộc sống thoải mái nhất:

  • Hiểu rõ các triệu chứng của cường giáp và suy giáp
  • Biết khi nào cần dùng thuốc tuyến giáp
  • Thực hiện chế độ ăn theo khuyến cáo của bác sĩ
  • Tập thể dục 30 phút mỗi ngày
  • Ngủ ít nhất 7 giờ mỗi đêm.

 

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *