Rối loạn cương dương là bệnh gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng đời sống tình dục của nam giới, dẫn đến cuộc sống hôn nhân không êm đẹp. Các quý ông cần nhận biết những dấu hiệu của rối loạn cương dương và đi chữa rối loạn cương dương sớm để được điều trị kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Rối loạn cương dương là gì?
Rối loạn cương dương (Erectile dysfunction – ED) hiểu một cách đơn giản là tình trạng nam giới không có khả năng đạt được và duy trì sự cương cứng của dương vật để tiến hành quan hệ tình dục một cách trọn vẹn.Tình trạng này gây giảm cảm hứng tình dục dẫn tới sự khó chịu và ảnh hưởng tới hạnh phúc hôn nhân, gia đình.
Trong thực tế, rối loạn cương dương có nguy cơ xảy ra cao hơn ở người đàn ông lớn tuổi, khoảng một nửa số đàn ông ở độ tuổi 65 và 3/4 đàn ông ở độ tuổi 80 mắc chứng rối loạn cương dương. Các đấng mày râu khác có nguy cơ cao mắc rối loạn cương dương thường là những nam giới sống ở thành phố, người lao động trí óc (nhân viên văn phòng, nhân viên kinh doanh), những người thường xuyên làm việc khuya, uống nhiều rượu bia, làm việc trong môi trường ô nhiễm, tiếp xúc với các hóa chất độc hại,…
Nguyên nhân gây rối loạn cương dương?
- Do tâm lý: căng thẳng thần kinh, mệt mỏi, stress có thể tác động và gây khó khăn để đạt được sự cương cứng.
- Suy giảm tập trung trong quan hệ tình dục.
- Yếu tố liên quan đến thần kinh: Trầm cảm, một số bệnh thần kinh khác…
- Mắc một số bệnh lý về chuyển hóa: cao huyết áp, rối loạn lipid máu, tiểu đường.
- Rối loạn nội tiết.
- Sử dụng chất kích thích như: cafe, thuốc lá, rượu và ma túy…
- Sử dụng các loại thuốc như: thuốc hạ huyết áp, thuốc chống trầm cảm, một số thuốc an thần, một số thuốc lợi tiểu…
- Các rối loạn làm giảm lưu lượng máu hoặc gây tổn thương đến các dây thần kinh trên dương vật.
Cụ thể: phân thành các nhóm khác nhau như do tâm thần, thần kinh, nội tiết tố, và bệnh lý mạch máu , hoặc kết hợp của những yếu tố này.
Yếu tố tâm thần – thần kinh:
Khả năng cương dương vật có thể bị trở ngại do một số yếu tố tác động liên quan đến tâm thần như stress, trầm cảm, tâm thần phân liệt, và không ham muốn tình dục. Một số bệnh lý như Alzheimer, đột quỵ, Parkinson, hoặc chấn thương sọ não có thể gây RLCD do làm giảm sự ham muốn tình dục. Tổn thương tủy sống có thể cắt đường dẫn truyền thần kinh đến vùng xương cùng, ngăn chặn hoặc ức chế quá trình làm cương cứng dương vật.
Yếu tố nội tiết :
Các hormon vỏ thượng thận như adrenocorticotropin, oxytocin, prolactin, và androgen, đặc biệt là testosterone được cho là có liên quan đến RLCD. Thiểu năng sinh dục đóng một vai trò quan trọng trong RLCD. Người ta cho rằng một ngưỡng của testosterone là cần thiết để giúp cho sự cương cứng dương vật, và vì vậy những người có tuổi sẽ có sự giảm tự nhiên trong sản xuất testosterone do vậy góp phần RLCD .
Yếu tố mạch máu.
Bệnh lý động mạch ngoại vi và các rối loạn chức năng nội mô xảy ra trong bệnh đái tháo đường, xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, và tăng huyết áp cũng góp phần gây nên RLCD. Một số tác giả cho rằng RLCD là một dấu hiệu báo trước của bệnh tim mạch. Cùng với những nguyên nhân nêu trên thì việc không thể làm cản trở dòng tĩnh mạch từ các xoang của vật hang đi ra cũng là một yếu tố góp phần cho RLCD. Tình trạng này có thể xảy ra do sự thoái hóa của bao trắng dương vật, mất đáp ứng tĩnh mạch, chấn thương, hoặc rối loạn chức năng cơ trơn/ nội mạch trong vật hang.
Nitric Oxide (NO) và RLCD.
NO được cho là chất dẫn truyền thần kinh vận mạch liên quan đến đáp ứng cương dương vật và được giải phóng từ các tế bào thần kinh nonadrenergic, noncholinergic (NANC) cũng như từ nội mô. Men giúp tổng hợp NO (NOs) là enzyme chịu trách nhiệm chuyển đổi của L-arginine thành NO và L-citrulline. NOs đã được xác định trong mô thần kinh (nNOs), nội mô (eNOs), và tế bào biểu mô của các bộ phận niệu sinh dục của nam giới.
Các bệnh liên quan:
Đái tháo đường
Nghiên cứu ở Massachusetts cho thấy rằng ở những người mắc bệnh đái tháo đường thì khả năng mắc RLCD gấp 3 lần người bình thường. Tăng đường huyết mạn có thể dẫn đến các thương tổn mạch máu cả vi thể và đại thể, bao gồm cả rối loạn chức năng nội mô. Bệnh thần kinh ngoại vi cũng thường gặp ở những bệnh nhân không được kiểm soát tốt đường máu. Các yếu tố nguy cơ của RLCD ở bệnh nhân đái tháo đường có thể được kể ra gồm tuổi lớn, thời gian mắc đái tháo đường, và các biến chứng như bệnh võng mạc. Tăng lipid máu, tăng huyết áp, béo phì cũng được xem là các yếu tố nguy cơ đối với nam giới mắc bệnh đái tháo đường.
Bệnh tim mạch.
Bệnh tim mạch và RLCD có liên quan chặt chẽ bởi vì cả hai bệnh liên quan đến suy giảm chức năng nội mô mạch máu và giảm tính khả dụng sinh học của NO. Các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, tăng cholesterol máu, hút thuốc, và bệnh đái tháo đường cũng rất phổ biến giữa hai tình trạng trên. Một trong những chống chỉ đinh của thuốc ức chế PDE-5 trong điều trị RLCD là bệnh nhân đang dùng nitrat vì có thể dẫn đến hạ huyết áp và thậm chí tử vong.
RLCD do thuốc.
Một số nghiên cứu báo cáo rằng các tác dụng phụ của thuốc có thể gây ra khoảng 25% các trường hợp RLCD mới mắc. Các thuốc điều trị tăng huyết áp có thể gây RLCD. Thuốc lợi tiểu nhóm thiazide được báo cáo có thể gây RLCD cao hơn thuốc hạ áp khác. Nhóm thuốc ức chế canxi và ức chế men chuyển có ít ảnh hưởng bất lợi trên chức năng tình dục hơn so với nhóm thuốc lợi tiểu, thuốc tác dụng lên thần kinh trung ương và chẹn beta.
Nhóm kháng aldosterone, spironolactone có thể dẫn đến RLCD theo cơ chế kháng androgen, trong đó hydrotestosterone bị ức chế hoàn toàn từ việc gắn các thụ thể androgen do cấu trúc giống nhau của spironolactone với androgen. Atenolol và propranolol là thuốc nhóm chẹn β có thể gây RLCD do tác dụng kháng adrenergic cũng như gây trầm cảm mức độ nhẹ dẫn đến giảm ham muốn tình dục.
Các thuốc hạ huyết áp tác dụng lên thần kinh trung ương như clonidin có thể tác động để ức chế chức năng cương dương do chẹn đầu ra adrenergic. Methyldopa có tác dụng phụ tương tự và gây RLCD với tần suất cao hơn khi so sánh với clonidine. Nhiều thuốc chống trầm cảm có tác dụng phụ thường gặp là RLCD. Tăng prolactin liên quan đến việc sử dụng chất đối kháng H2 như cimetidine và các thuốc chống loạn thần phenothiazine, chlorpromazine và thioridazine, đều có thể gây RLCD.
Cương đau dương vật kéo dài.
Cương đau dương vật kéo dài được định nghĩa là sự cương cứng kéo dài hơn 4 giờ ngoài kích thích tình dục hoặc không liên quan đến kích thích tình dục. Thời gian kéo dài cương cứng có thể dẫn đến phá hủy các tế bào nội mô và hoại tử tế bào cơ trơn vật hang .
Sự phá huỷ nội mạc vật hang và cơ trơn xảy ra trong cương đau dương vật kéo dài do thiếu máu cục bộ thường dẫn đến RLCD. Cương đau dương vật kéo dài cũng có thể là hậu quả của việc sử dụng các thuốc kích thích chức năng cương dương vật có thời gian tác dụng kéo dài.
Triệu chứng của rối loạn cương dương
Bệnh nhân có thể nhận biết rối loạn cương dương thông qua bốn nhóm triệu chứng sau:
- Mất hoàn toàn sự khao khát và nhu cầu về tình dục, dương vật hoàn toàn mềm và không thể đáp ứng nhu cầu sinh lý bình thường của người vợ;
- Một số trường hợp mặc dù vẫn có khao khát tình dục nhưng khi tiếp xúc với phụ nữ dù dùng tất cả các biện pháp kích thích nhưng không thể cương cứng được
- Dương vật cương cứng thất thường, không theo nhu cầu của chủ nhân
- Dương vật cương cứng nhưng không đủ thời gian để giao hợp, khi đưa vào cơ thể phụ nữ thì tự mềm ra và mọi hưng phấn âm thầm biến mất.
Cách phòng ngừa rối loạn cương dương
Nam giới, đặc biệt là ở đàn ông lớn tuổi, cần phải xây dựng một lối sống lành mạnh để phòng tránh rối loạn cương dương thông qua những việc làm cụ thể sau:
- Sinh hoạt, ăn uống điều độ, không hút thuốc lá và hạn chế uống rượu bia
- Tham gia vào các hoạt động thể chất hoặc một môn thể thao đều đặn để duy trì sức khỏe thể chất của mình
- Tránh các tác nhân buồn phiền, lo âu để giữ tinh thần lạc quan
- Tìm được sự đồng cảm của bạn đời
- Cần đi khám ngay lập tức nếu phát hiện các triệu chứng để được chẩn đoán và xử trí sớm.
Chẩn đoán rối loạn cương dương
Khai thác bệnh sử
Khai thác bệnh sử nhằm mục đích giúp hiểu rõ bản chất, trình tự thời gian và mức độ nghiêm trọng của tình trạng rối loạn này, qua đó giúp xác định các yếu tố tâm lý tình dục và nguyên nhân thực thể nếu có thể, đồng thời cũng để giúp khám phá các mối liên quan khác cũng như giúp xác định sự mong đợi của bệnh nhân và bạn tình của họ.
Đánh giá chức năng cương dương
Cần hỏi xem bệnh nhân còn khả năng cương dương vật vào ban đêm hay buổi sáng hay không, điều này quan trọng, vì nó được xem như là khả năng có thể đạt được cương dương vật trong những hoàn cảnh khác nhau.
Đặt bộ câu hỏi đánh giá
Bộ câu hỏi hiện được sử dụng nhiều nhất là Bảng câu hỏi Chỉ số quốc tế chức năng cương dương vật (the International Index of Erectile Function – IIEF), gồm 15 câu để đánh giá 5 lĩnh vực liên quan:
- Chức năng cương dương vật
- Độ khoái cảm
- Sự ham muốn tình dục
- Sự thỏa mãn trong giao hợp
- Sự thỏa mãn toàn diện
Đánh giá mức độ rối loạn cương dương
- 6-20 điểm: mức độ nặng
- 21-30:Mức độ trung bình
- 31-50: Mức độ nhẹ
- 51-60: Không có rối loạn
RLCD do nguyên nhân thực thể hay do tâm lý
Trong thăm khám, cần cố gắng phân biệt những bệnh nhân RLCD có nguyên nhân thực thể và RLCD chủ yếu do tâm lý, mặc dù cả hai nguyên nhân đều có thể là một phần quan trọng trong hầu hết các bệnh nhân. Khai thác bệnh sử có thể giúp phân biệt các nguyên nhân này.
Ví dụ, RLCD do nguyên nhân thực thể thường có một khởi phát từ từ, thường là không thay đổi, thường ảnh hưởng đến cương cứng khi không giao hợp và có thể xảy ra trong tất cả các trường hợp. Ngược lại RLCD chủ yếu do tâm lý thường khởi phát đột ngột và có thể chỉ là tình huống, với mức độ RLCD khác nhau trong những hoàn cảnh khác nhau. Trong trường hợp RLCD chủ yếu do tâm lý bệnh nhân vẫn có thể đạt được sự cương dương vật khi không giao hợp. Dương vật cương ban đêm hoặc buổi sáng là một dấu hiệu có ích trong chẩn đoán RLCD chủ yếu do tâm lý.
Bệnh sử về nội khoa
Ngoài bệnh sử tình dục, việc khai thác bệnh sử về các bệnh lý nội khoa đầy đủ là rất quan trọng. Hầu hết bệnh nhân RLCD thường có kèm một số yếu tố nguy cơ góp phần gây nên RL. Nguyên nhân thực thể quan trọng nhất là bệnh lý tim mạch, vì vậy cần xem xét các biểu hiện của bệnh mạch máu (như như bệnh tim mạch, mạch máu não và bệnh mạch máu ngoại biên). Tương tự cần khám và xác định những yếu tố nguy cơ khác như bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, tăng lipit máu và hút thuốc.
Thăm khám thực thể
Thăm khám thực thể thường không có vai trò lớn trong chẩn đoán rối loạn cương dương trừ khi xác định các yếu tố nguy cơ kèm theo liên quan đến rối loạn cương dương. Quan trọng nhất là khám bộ phận sinh dục một cách đầy đủ, đánh giá những đặc điểm giới tính phụ và đo huyết áp
điểm cần khám lâm sàng:
- Bộ phận sinh dục:
- Kích thước, hình dạng của dương vật
- Những bất thường của quy đầu, bao quy đầu
- Dấu hiệu của bệnh Peyronie
- Tinh hoàn (số lượng, kích thước, vị trí, tính chất)
- Các đặc điểm giới tính phụ:
- Thể trạng cơ thể
- Nữ hóa tuyến vú
- Tình trạng lông
- Phân bố mỡ của cơ thể
- Hệ thống mạch:Đánh giá huyết áp
Cận lâm sàng:
Các xét nghiệm cận lâm sàng cũng ít có vai trò trong chẩn đoán rối loạn cương dương, chủ yếu nhằm xác định các yếu tố nguy cơ gây rối loạn cương dương.
- Cần xét nghiệm để chẩn đoán bệnh đái tháo đường, tăng lipid máu và rối loạn nội tiết.
- Siêu âm Doppler màu mạch máu của dương vật.
- Chụp vật hang (cavernosography) và đo áp lực mạch máu vật hang.
- Chụp động mạch dương vật.